104 lượt xem

Những bậc thang và tôi

Ngày đầu xa nhà

Tôi vẫn nhớ như in buổi chiều hôm ấy – buổi chiều đầu tiên tôi chính thức trở thành một cô tân sinh viên giữa lòng Hà Nội. Căn phòng ký túc xá nhỏ bé, đồ đạc đã sắp xếp tươm tất. Cha lăng xăng hết lau chỗ này lại dọn chỗ kia, như thể muốn chắc chắn rằng mọi thứ quanh tôi đều thật hoàn hảo, không một hạt bụi nào có thể làm phiền đứa con gái bé bỏng của ông.

Tôi cố tỏ ra bình thản, cố làm như chẳng có gì quan trọng, nhưng lòng nghẹn lại khi bắt gặp ánh mắt cha. Ông cũng cố cười, cố làm ra vẻ vui vẻ, nhưng bàn tay vẫn siết chặt lấy chiếc nón cũ đến mức run run.

Khi mọi thứ đã ổn, khi chẳng còn lý do gì để nấn ná, cha chậm rãi đứng dậy. Ánh mắt ông quét một vòng quanh căn phòng như muốn ghi nhớ tất cả. “Con ở lại mạnh khỏe, có chuyện gì thì gọi cho cha nhé”, giọng ông trầm xuống, như thể đang cố nuốt vào lòng một điều gì đó.

Tôi gật đầu, cố gắng mạnh mẽ. Nhưng cha thì không.

Ông bước ra cửa… rồi dừng lại. Không hẳn rời đi, cũng chẳng hẳn ở lại. Ông đứng lặng, nhìn tôi rất lâu — cái nhìn như muốn khắc sâu từng đường nét, từng cử chỉ, như thể đây là lần cuối ông được ngắm nhìn đứa con gái chưa bao giờ rời khỏi vòng tay mình.

Rồi ông quay đi. Tôi tưởng cha đã đi thật, nhưng không… ông chỉ đứng ở đó – nơi góc hành lang ký túc xá, lặng lẽ dõi theo tôi. Dưới ánh đèn vàng vọt, tôi thấy vai cha khẽ run, thấy ông vụng về đưa tay lau thứ gì đó đang chảy dài trên má. Nước mắt của cha.

Tôi quay đi, không dám nhìn nữa. Chỉ sợ nếu nhìn thêm một giây nào nữa, tôi sẽ òa khóc như một đứa trẻ.

Cha đứng đó rất lâu… Rồi cuối cùng, như gom đủ can đảm, ông quay lưng, từng bước chậm chạp xuống cầu thang. Tôi dõi theo bóng lưng gầy guộc ấy – bóng lưng của một người cha đã gánh cả thế giới trên vai để che chở cho tôi suốt bao năm tháng.

Lần đầu tiên trong đời, tôi xa nhà.

Và thêm một lần nữa, tôi thấy cha khóc. Vì tôi…

Những bậc thang và tôi

Mỗi ngày đi học là một hành trình chinh phục đầy gian nan. Trong khuôn viên rộng lớn, giảng đường nằm ở một tòa, ký túc xá ở một tòa khác, còn căng tin và phòng sinh hoạt thì… lại ở một nơi khác nữa. Tôi chẳng thể nào đếm nổi mỗi ngày mình phải leo bao nhiêu bậc thang, dừng lại bao nhiêu lần để lấy hơi, hay đã bao lần mồ hôi đẫm trán dù trời không hề nóng.

Mỗi lần di chuyển là một thử thách. Tôi chống hai tay lên đôi nạng gỗ, dồn lực vào cánh tay để đẩy thân mình về phía trước. Cánh tay tôi ngày một rắn chắc, nhưng đôi vai thì luôn nhức mỏi, bỏng rát vì phải gồng mình liên tục. Những bậc thang trước mặt cứ như một ngọn núi sừng sững, không chào đón, không mở lối, chỉ đứng đó, thách thức tôi tự tìm cách vượt qua.

Tôi ghét những bậc cầu thang. Vì trước chúng, tôi cảm thấy mình nhỏ bé và bất lực. Người khác chỉ cần vài giây là có thể chạy ào lên, còn tôi – mỗi bậc là một lần gồng mình, hít sâu và nhích từng chút. Có hôm trời mưa, nạng trượt trên nền đá ướt, tôi ngã sóng soài, đau điếng. Bạn bè đỡ tôi dậy, xuýt xoa, thương cảm. Tôi siết chặt hai tay, cắn răng, giữ thăng bằng và bước tiếp.

Nhiều đêm, tôi mơ mình có thể đi lại như người bình thường, mơ có một chiếc thang máy thần kỳ đưa tôi đến bất cứ đâu. Nhưng rồi tỉnh giấc, tôi biết mình chỉ có thể dựa vào đôi tay, ý chí, và từng bước chậm rãi mà kiên cường.

Ngày này qua ngày khác, tôi vẫn lặp lại hành trình chinh phục những bậc thang ấy. Có lúc, đứng giữa chừng, tôi nhìn xuống khoảng sân rộng bên dưới và tự hỏi: “Bao giờ thì mình thôi phải đối mặt với những gian nan?” Nhưng rồi lại mỉm cười — vì có lẽ, chính những bậc thang đó đã giúp tôi học cách đứng lên.

Những lá thư màu hồng

Hồi nhỏ, khi mới vào lớp Một, tôi đã học cách giấu nước mắt. Tôi không kể với cha mẹ về những lần bị trêu chọc, về những khi loay hoay mãi chẳng leo kịp bậc thềm lớp học, hay về ánh mắt tôi lặng lẽ dõi theo những đứa trẻ khác đang chạy nhảy khắp sân trường.

Lớn lên, khi trở thành sinh viên xa nhà, tôi vẫn giữ thói quen ấy. Tôi chưa từng để cha mẹ thấy giọt mồ hôi lẫn nước mắt của mình khi chinh phục những bậc thang dài dằng dặc. Tôi chưa từng kể về những đêm vai đau rã rời, tay phồng rộp vì chống nạng suốt ngày. Tôi chưa từng nói rằng có những hôm trời mưa, tôi ngã đau đến mức chỉ muốn buông xuôi.

Trong mỗi lá thư gửi về nhà, tôi chỉ kể chuyện vui. Tôi kể về những buổi học thú vị, những người bạn dễ thương, món ăn ở căng tin mà tôi thích. Khi gọi điện, giọng tôi luôn rạng rỡ, như thể đang tận hưởng quãng đời sinh viên tuyệt vời nhất. Tôi không để cha mẹ nghe thấy sự mệt mỏi trong tôi, không để họ biết tôi đã từng cuộn tròn trong chăn mà nhớ nhà đến thắt lòng.

Tôi biết, dù không nói, cha mẹ vẫn hiểu rằng hành trình của tôi không dễ dàng. Nhưng họ cũng tin rằng — cô con gái bé bỏng của họ đủ mạnh mẽ để tự mình bước đi trên con đường đã chọn. Và niềm tin đó, với tôi, là một màu hồng đẹp đẽ, giúp tôi vững vàng vượt qua những ngày nhiều mây.