Mẹ tôi mồ côi cha mẹ khi chưa đầy sáu tuổi. Sau ngày ông bà ngoại mất sớm, mẹ được các cô, các bác cưu mang, nuôi ăn học và cho ở nhờ. Nhưng dù có mái che, có bữa cơm, mẹ vẫn lớn lên trong một thế giới thiếu vắng tình thân phụ mẫu. Không có ai gọi mẹ là “con” bằng giọng của đấng sinh thành. Không có ai dỗ dành mỗi khi sợ hãi, cũng chẳng ai ngồi bên kể chuyện, ru con ngủ những tối mưa rơi.
Mẹ sống lặng lẽ, quan sát cuộc đời bằng đôi mắt trẻ con mà sớm già nua. Không ai dạy mẹ phải làm người ra sao – mẹ tự học bằng cách lùi lại, nhường nhịn và chịu đựng. Từ rất sớm, mẹ đã quen gói ghém những nỗi tủi thân vào bên trong. Không phải mẹ chưa từng muốn òa khóc hay không biết nũng nịu như bao đứa trẻ khác, chỉ là mẹ biết mình không có nơi nào để ngã vào, không ai rảnh để vỗ về một đứa bé quá nhiều mồ côi trong lòng.
Mẹ chỉ học hết lớp ba, lớp bốn. Chữ nghĩa dừng lại sớm, nhưng trái tim mẹ thì chưa từng ngưng học điều tử tế. Không nhiều chữ nghĩa, nhưng mẹ biết cách im lặng, biết nói khi cần, và biết cách đi qua giông gió mà không oán thán điều gì.
Lớn lên, mẹ lấy chồng xa quê. Về làm dâu nơi đất khách, không người thân, không bạn bè, mẹ sống âm thầm như cái bóng. Mẹ không giỏi bộc bạch, không biết tạo dựng các mối quan hệ xã hội.
Cả đời mẹ chỉ quẩn quanh trong một thế giới nhỏ – nơi có tiếng con trẻ, mùi bột gạo và ánh lửa râm ran mỗi sớm.
Không ai dạy mẹ nên theo đuổi công việc gì, phải chọn lối đi nào để có thể cùng chồng gánh vác gia đình. Mẹ tự lần mò, tự học, tự làm – và chọn gắn bó với nghề làm bánh: Bánh rán, bánh mật, bánh chưng, bánh khúc… đủ loại bánh mẹ học được từ những người đi trước rồi mày mò, hoàn thiện thêm. Mỗi mẻ bánh là kết quả của một ngày mẹ cần mẫn, bền bỉ và đầy thương yêu.Mẹ thường dậy từ ba, bốn giờ sáng, bất kể trời mưa rét hay nắng gắt. Căn bếp nhỏ luôn đầy khói, mùi gạo nếp, lá dong, đậu xanh, hành phi. Những hôm trời lạnh, mẹ khe khẽ kéo chăn đắp cho tôi rồi mới rón rén dậy làm. Có hôm tôi giật mình tỉnh giấc, quờ quạng không thấy mẹ, hoảng hốt bật khóc. Mẹ nghe tiếng liền chạy vội lên, bế tôi xuống bếp với mẹ – nơi bàn tay mẹ đỏ ửng vì lửa, mắt mẹ cay xè vì khói, nhưng ánh nhìn vẫn dịu dàng như chưa từng biết đến mỏi mệt.
Cái khăn mẹ quấn quanh hông để tránh hơi phụ, dáng mẹ lom khom bên bếp bánh, đôi bàn tay chai sần và mùi thơm của những mẻ bánh đầu tiên mỗi sáng – tất cả là ký ức nguyên vẹn trong tôi.
Có lẽ điều khiến tôi xúc động nhất mỗi khi nghĩ về mẹ là sau tất cả những vất vả đó, mẹ còn trải qua tám lần sinh nở. Tám lần mang nặng đẻ đau, mỗi lần sinh nở là một lần cạn sức, cạn máu, mà mẹ chưa từng kêu than. Với vóc dáng nhỏ nhắn đó, chưa một ngày được nghỉ ngơi trọn vẹn, mẹ vẫn sinh ra và nuôi nấng tám đứa con, trong đó có tôi – đứa con tật nguyền, cần nhiều hơn một vòng tay mẹ.
Khi tôi ba tháng tuổi, một cơn sốt đã cướp đi đôi chân khỏe mạnh. Từ một đứa bé bụ bẫm, lanh lợi, tôi trở thành đứa bé yếu ớt như chiếc lá non. Người lớn trong làng nhìn tôi với ánh mắt buồn buồn. Có người nói thẳng: “Tội con bé, chắc sau này chỉ ngồi một chỗ.”
Mẹ nghe tất cả, nhưng không nói gì, Mẹ không quen nói những lời to tát. Tôi cũng hiếm khi thấy mẹ khóc. Hoặc nếu có đau lòng, mẹ cũng lặng lẽ giấu đi – chỉ bắt tay vào hành động.
Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh mẹ – người đàn bà nhỏ bé, mặc chiếc áo nâu bạc màu, gập người giữa sân nhà, tay cầm con dao nhỏ, cẩn thận đẽo, gọt từng đoạn nứa già, buộc vào nhau thành hai hành lang vững chãi. Mẹ không biết gì về vật lý trị liệu hay y học phục hồi. Nhưng trái tim của mẹ cảm nhận được từng nỗi đau, từng khát khao nhỏ nhoi trong tôi – đứa con gái từng lanh lợi, rồi đột ngột vụn vỡ như cành non bị bão quật.
Những đoạn nứa mẹ chọn phải thật già, được chuốt nhẵn nhụi để không làm tôi đau, cũng không dễ gãy khi tôi ngã. Mẹ dìu tôi giữa hai hàng nứa, như thể đang nâng một mầm cây nhỏ, yếu ớt. Đôi bàn tay rám nắng của mẹ đỡ lấy vai tôi, dõi theo từng bước chân khập khiễng như thể cả thế giới lúc ấy chỉ còn lại từng nhịp chênh vênh đó.
Tôi đã không hiểu hết lòng mẹ khi còn quá nhỏ. Có hôm tôi khóc vì mệt, có hôm tôi lười, giận dỗi không muốn tập tiếp. Mỗi lần như thế, mẹ lại lục túi áo lấy ra vài viên kẹo – món xa xỉ trong những năm tháng ấy.
“Cố lên, con. Đi được một vòng nữa mẹ cho thêm một viên kẹo!” – Mẹ nói bằng giọng dịu như viên kẹo vừa chạm đầu lưỡi. Sau này tôi nghĩ, mẹ không chỉ giúp tôi tập đi. Mẹ đang dạy tôi cách đứng lên. Làm cho tôi hiểu rằng nếu một người đàn bà quê mùa, học chưa hết cấp 1, không có công cụ hiện đại… mà vẫn có thể dùng những cây nứa và sự mách bảo của trái tim của người làm mẹ để nâng tôi đứng lên – bằng cách của riêng mẹ.
Tôi đã lớn lên từ những ngày như thế, từ khói bếp và nồi bánh nóng hổi, từ mồ hôi và nước mắt của mẹ, từ hai hàng nứa lặng thầm song hành bên tôi như chứng nhân của một tình yêu không cần ngôn từ.
Một tình yêu chẳng cần ai biết đến, chẳng cần ai ghi nhận – chỉ lặng lẽ chở che suốt tháng năm. Mẹ không để lại cho tôi của cải, danh vọng hay bất cứ lời dạy lớn lao nào. Thứ mẹ để lại là những ký ức tưởng như nhỏ bé – nhưng chính là hành trang vững chãi nhất theo tôi suốt cuộc đời.