36 lượt xem

Cha tôi – Người đàn ông cõng giấc mơ

Cha tôi là một người thợ mộc tài hoa, ông đẹp trai, phóng khoáng và hát rất hay. Trong làng, ông nổi tiếng bởi đôi tay có thể “thổi hồn” vào từng thớ gỗ, tạo nên những món đồ tinh xảo, đẹp mắt. Người làng quý mến ông không chỉ bởi tay nghề, mà còn vì lối sống nghĩa tình, đôn hậu và sự nhiệt thành, vui vẻ của ông.

Gia đình tôi đông con, nhưng cha vẫn vững tay chèo lái, để cả nhà có một cuộc sống tuy giản dị nhưng khá đủ đầy. Trên môi ông luôn hiện hữu nụ cười lạc quan. Câu cửa miệng của ông là: “Trời sinh voi, sinh cỏ” hay “Trời sinh trời dưỡng” – một niềm tin đơn sơ nhưng bền bỉ như chính con người ông.

Có lẽ cuộc đời cha sẽ trôi qua êm đềm như thế, nếu không có bước ngoặt xảy đến vào chính năm tôi cất tiếng khóc chào đời.
Cơn sốt quái ác xảy ra khi tôi 3 tháng tuổi, khiến đôi chân của tôi vĩnh viễn không thể lành lặn. Từ khoảnh khắc ấy, cha như sống một cuộc đời khác – âm thầm hơn, nhẫn nại hơn và day dứt hơn.

Ông không còn nghêu ngao ngẫu hứng hát hò, không còn những phút bên ly cà phê thong dong hay làn khói thuốc mơ màng. Thay vào đó là những ngày mỏi gối, mòn vai – ban ngày đóng mộc, ban đêm thồ xe đi giao hàng. Mỗi đồng tiền chắt chiu kiếm được, ông đều dồn vào hy vọng, chữa khỏi chân cho con gái mình.

Cuộc sống chật vật hơn nhưng cha chưa từng than vãn hay để lộ vẻ mỏi mệt. Ông âm thầm gánh vác tất cả. Những đêm khuya, khi cả nhà đã yên giấc, ánh đèn leo lét trong xưởng mộc của cha vẫn sáng, tiếng đục đẽo vang lên đều đặn như nhịp tim của ông không ngơi nghỉ.

Có lẽ, điều khiến ông thấy trăn trở, thôi thúc nhất là khi mùa đông về, đôi chân bé bỏng của tôi lại co quắp, tím tái. Ánh mắt cha se thắt, ngàn vạn lần muốn mang lấy cơn đau thay con. Ông lại càng dặn mình phải cố gắng hơn..

Chiều hôm ấy, trời miền Trung lạnh thấu xương. Gió rít qua vách nứa mỏng như tiếng thở dài của đất trời. Trong cái lạnh căm căm ấy, hành trình tan học mỗi chiều của tôi – đứa trẻ từ nhỏ đã không thể bước đi – lại càng gian nan hơn bao giờ hết. Tôi lớn lên trên lưng cha, trên tay mẹ, trên vai anh chị và cả trên lưng những người bạn cùng xóm.

Tôi thích mùa đông lắm – thích mùi củi khô cháy bập bùng, thích cảm giác được quây quần bên gia đình. Mẹ ngồi đan len dưới ánh đèn dầu leo lét, cha vừa bào gỗ vừa khe khẽ hát: “Xe ta bon bon trên dặm đường…” – giọng ông trầm ấm như sưởi cả gian nhà. Chị em chúng tôi ríu rít bên nhau trong hơi ấm của bếp lửa.

Thế nhưng, mùa đông lại chẳng thích tôi. Cái lạnh ngấm vào từng đầu ngón chân co quắp, khiến đôi chân tật nguyền sưng tấy, đau nhức như hàng ngàn mũi kim chích vào da thịt.
Nhưng giữa buốt giá ấy, luôn có một điều khiến tôi ấm áp, an lòng. Đó là bếp lửa cha nhóm lên mỗi chiều, nơi mái nhà nhỏ cuối con đường làng – để chờ tôi đi học về.

Mỗi khi bóng tôi vừa lấp ló nơi đầu ngõ, cha lập tức bước ra. Dịu dàng bế tôi bằng tất cả sự nâng niu lên chiếc ghế bành cũ kỹ rách một bên tay vịn, ông đặt tôi xuống, phủ lên tôi tấm chăn bông mềm mịn – chiếc chăn quý giá của cả nhà, mỗi mùa chỉ dám giặt một lần duy nhất vì sợ giặt nhiều sẽ rách đi.

Vừa sưởi ấm ông vừa dịu dàng xoa đôi chân tím tái của tôi bằng đôi bàn tay chai sạn, thô ráp ấy, thi thoảng lại cúi xuống thơm thơm vào đôi chân bé bỏng ấy, như thể muốn xoa dịu nỗi đau bằng tất cả tình yêu thương mà ông có. Những câu hỏi, mỗi ngày ông thường lặp lại:
– Bựa ni đi học có vui không con?
– Có bạn mô trêu chọc con không?
– Mặc a ri có lạnh không?

Trong ký ức của tôi, ngọn lửa ấm, chiếc ghế bành cũ và chiếc chăn bông ấm áp là lời tuyên ngôn dịu dàng nhất về tình phụ tử.

Cha đã làm tất cả những gì có thể – cho tôi – bằng tất cả trái tim.

Suốt thời thơ ấu, cha đưa tôi đi chữa chạy khắp nơi – từ những bệnh viện đông đúc ở thành phố lớn, những phòng khám nhỏ ở huyện nhà, cho đến cả những ông thầy lang nằm sâu tít trong những làng quê heo hút. Có những nơi chỉ là căn nhà tranh xập xệ, vỏn vẹn mấy lọ thuốc Nam và vài lời hứa hẹn mơ hồ. Nhưng với cha, chỉ cần còn một tia hy vọng, dù mong manh đến đâu, ông cũng không nỡ bỏ qua.

Tôi nhớ có lần, cha nghe người ta đồn về một ông thầy ba lá khoai ở Xã Đoài. Người làng kháo nhau ông ấy chữa được, bà con lũ lượt kéo đến đông như trẩy hội. Cha con tôi cũng khăn gói đi, đùm theo ít cơm nắm, đêm thì ngủ tạm trên đống rơm ngoài sân, chờ đợi mấy ngày trời mới tới lượt.
Đến khi vào khám, ông thầy cầm ba lá khoai nhét vào miệng tôi, rồi bất ngờ tát mạnh ba cái vào chân đau khiến tôi khóc ré lên đau đớn.
Cha tôi đứng bên, mặt sầm lại. Không nói một lời nào, lặng lẽ bế tôi bỏ đi, không thèm chữa cái thứ hoang đường đó nữa.

Ông tiếp tục tìm kiếm – như một kẻ lữ hành không bao giờ cho phép mình dừng bước trên hành trình kiếm tìm phép màu cho đứa con nhỏ. Với cha, dù hy vọng có nhỏ nhoi đến đâu, ông cũng không cho phép mình bỏ lỡ.

Trong nhà, có gì quý giá đều đem bán sạch – kể cả chiếc radio cũ kỹ ông từng nâng niu như người bạn tri kỷ. Khi không còn gì để bán, cha bắt đầu đi vay. Vay người thân, vay bạn bè, thậm chí vay cả những người ông vốn e dè, giữ ý. Vay mãi, rồi đến lúc không ai còn cho vay nữa, mà đôi chân tôi vẫn bất động. Thế là ông nảy ra một ý. Ông cõng tôi đi… xin.

Người đàn ông từng sải bước tự tin trên con đường làng giờ mặc áo sờn vai, tóc bạc sương, cúi đầu bỏ qua lòng kiêu hãnh, chìa lá đơn xin trợ giúp. Không một lời than vãn, không một giọt nước mắt – chỉ có trái tim người làm cha đang gồng gánh một giấc mơ.

Hễ thấy tòa nhà nào cao tầng, ông lại tin ở đó sẽ có một cánh cửa sẽ mở ra. Và ông cõng tôi lên từng bậc cầu thang – từng bậc, hết tòa này đến tòa khác, gõ cửa từng văn phòng, trình bày với từng người.

Có ngày nắng như đổ lửa, áo ông ướt sũng. Có hôm mưa lạnh, ông nhường chiếc áo mưa duy nhất cho tôi, còn mình thì ướt đẫm, đứng lặng hàng giờ trong hành lang chờ một ai đó, như chờ thêm một tia hi vọng. Có những cánh cửa đóng sầm lại khi thấy cha con tôi, những ánh mắt từ chối lạnh lùng, nhưng cũng có những bàn tay nhẹ nhàng chìa ra, giúp đỡ.

Nhiều người thương tôi – đứa trẻ tật nguyền bụ bẫm, ngây ngô. Nhưng có lẽ, họ thương cha tôi hơn. Một người đàn ông có nước da rám nắng, tóc điểm sương, áo bạc màu, lặng lẽ, bền bỉ cõng đứa con gái tật nguyền đi xin từng đồng bạc lẻ, gom góp chút hi vọng cho đôi chân tật nguyền ấy.

Cuối ngày, những đồng tiền lẻ xin được, cha mở ra, đếm đi đếm lại không biết bao nhiêu lần, rồi cuộn cẩn thận, bỏ vào mấy lớp bao túi bóng, cất kỹ vào túi áo – như đang cất giữ sinh mệnh của con mình trong từng tờ bạc nhàu nát ấy.

Không ai đếm được cha đã cõng tôi đi bao chặng đường, gõ bao nhiêu cánh cửa. Nhưng tôi nhớ rõ – nhịp tim cha vang bên tai mỗi lần tôi nằm trên lưng ông, tiếng thở gấp gáp khi cha leo dốc. Tôi biết, ông đã dành cả đời mình chỉ để mong một phép màu.

Nhiều năm trôi qua, từ Nam chí Bắc, cha đưa tôi đi khắp nơi. Nhưng khi trở về nhà, chân tôi vẫn bất động và tôi vẫn chỉ có thể bò lê khắp xó. Ánh mắt cha lúc ấy chất chứa nỗi xót xa không thể thốt thành lời. Ông ngồi lặng bên hiên, tóc bạc, mắt xa xăm, tay gác lên gối như đang tìm tia sáng cuối cùng trong hành trình vô vọng.

Rồi một đêm, từ xưởng mộc sau nhà, tiếng cưa, tiếng đục vang lên. Sáng hôm sau, cha đặt trước mặt tôi một đôi nạng gỗ thô sơ. Ông nhìn tôi nghiêm nghị:
– Con có muốn thử đi không?
Tôi nhìn đôi nạng như vật thể lạ. Gỗ mộc, chưa đánh bóng, lùm xùm gân guốc – nhưng với tôi lúc ấy, nó lấp lánh như vàng.

Làm gì có đứa trẻ nào không mơ được đứng lên? Câu hỏi của cha như tia sáng giữa mùa đông u ám.

Cha đỡ tôi, đứng dậy, tập đi. Lần đầu vịn vào nạng, tôi đổ người như cây chuối héo. Ngã lên ngã xuống – đau và… xấu hổ. Nhưng cha không dỗ dành, chỉ đỡ tôi dậy, nghiêm nghị:
– Đứng lên nào, con gái! Ngã thì đứng dậy!

Không có dỗ dành, không một lời vỗ về – chỉ có niềm tin vững như núi trong ánh mắt ông.

Tôi tiếp tục ngã. Đau, mệt, có lúc muốn nằm im luôn. Không tập nữa. Nhưng ánh mắt cha vẫn ở đó – lặng lẽ, kiên định, như cột mốc giữa cơn bão.

Mỗi lần muốn bỏ cuộc, chỉ cần thấy ông đứng đó, chìa tay ra, tôi lại cố đứng lên.

Và rồi điều kỳ diệu đến vào một buổi chiều vàng ươm – ánh sáng như dành riêng cho những người không bỏ cuộc.

Tôi bước được những bước đầu tiên. Chậm rãi, chênh vênh, nhưng là bước đi thật sự. Không bò, không lết – mà là #ĐI – dù là bên đôi nạng gỗ.

Cha đứng đó, không vỗ tay tán thưởng, không reo hò, cũng không gọi tên tôi. Ông chỉ siết chặt hai bàn tay chai sạn vào nhau, bờ vai run nhẹ như cố nén điều gì đó đang dâng trào. Rồi như không thể kìm nén được nữa… Ông bật khóc.

Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy cha khóc. Những giọt nước mắt lặng lẽ, trĩu nặng, rơi xuống từ một người đàn ông đã gồng mình mạnh mẽ quá lâu.

Cha khóc, khóc cho cả một đời yêu thương âm thầm. Những giọt nước mắt của cha hôm ấy, suốt đời tôi chẳng thể nào quên.

Và cũng từ giây phút đó, tôi biết – đời mình đã sang trang.

Tôi đã đứng lên – đã đi được, không chỉ nhờ vào đôi nạng, mà là trên tất cả là nhờ những gì cha đã trao: niềm tin, tình thương, và dũng khí để không bỏ cuộc, dù có bao lần vấp ngã…