89 lượt xem

Người đàn ông cõng giấc mơ

Cha tôi từng là người đàn ông khiến biết bao cô gái trong làng ngưỡng mộ, thương thầm – một người thợ mộc tài hoa, đẹp trai, phóng khoáng, hát hay. Từ những cây gỗ thô cứng, ông tạo ra những bộ bàn ghế đẹp đẽ, những chiếc giường chạm khắc tinh tế. Người trong làng quý trọng ông không chỉ vì tay nghề, mà còn vì phong thái hiền hậu, lối sống nghĩa tình và cái cách ông đốt cháy cuộc sống bằng tất cả sự nhiệt thành.

Từ thuở đôi mươi đến khi lập gia đình, cha vẫn luôn sống như một cánh chim tự do. Dù đông con, gia cảnh chẳng mấy khá giả, ông vẫn giữ được nụ cười lạc quan và đôi mắt sáng rực niềm tin vào ngày mai. Có lẽ cuộc đời ông sẽ mãi nhẹ tênh như gỗ thông mùa thu nếu không có một biến cố xảy đến vào năm tôi chào đời.

Tôi là đứa con gái thứ sáu trong nhà. Khi sinh ra, tôi khỏe mạnh, kháu khỉnh, là niềm vui lớn của cả gia đình. Nhưng chỉ ba tháng sau, một cơn sốt quái ác khiến đôi chân tôi vĩnh viễn không thể lành lặn. Từ giây phút ấy, cuộc sống của cha tôi rẽ sang một hướng khác.

Người đàn ông từng sống bằng lòng kiêu hãnh và bàn tay lao động ấy bắt đầu gồng gánh nhiều hơn, lặng lẽ hơn. Ông không còn thời gian ngồi đàn hát, cũng không còn thong thả hàn huyên với hàng xóm bên cafe đen ông tự pha, hay điếu thuốc lào rít như gió thổi. Mỗi ngày trôi qua, ông làm việc đến mòn vai, mỏi gối – ban ngày đóng mộc, ban đêm đạp xe đi giao hàng. Tất cả chỉ để lo tiền thuốc thang, bệnh viện, hi vọng mong manh rằng con gái ông có thể chữa khỏi.

Những đồ vật quý giá trong nhà lần lượt ra đi – từ bộ bàn ghế ông từng dành nhiều tháng trời đục đẽo, đến chiếc radio cũ kỹ mà ông vẫn ôm nghe mỗi tối. Bán hết đồ đạc, ông bắt đầu đi vay, đi mượn, từ bà con lối xóm cho đến những người bạn mà ông luôn giữ kẽ. Khi chẳng còn ai để mượn, cũng không còn gì để bán, ông bắt đầu đi… xin. Ông cõng tôi trên vai, đi khắp làng trên xóm dưới, đến từng cơ quan đoàn thể, để xin hỗ trợ.

Những ai từng quen biết cha tôi trước đó – người đàn ông có phần ngạo nghễ, từng sải bước đầy tự tin trên con đường làng – sẽ chẳng thể nhận ra ông trong hình ảnh ấy. Một người cha, lưng áo sờn rách, tóc điểm sương, cõng một đứa bé tật nguyền, đi gõ cửa từng nơi, chìa ra tờ giấy xin cứu giúp. Không một lời than phiền, không một giọt nước mắt, ông đi qua những ánh mắt thương hại, những lời xì xào, những cánh cửa đóng vội… bằng tất cả sự nhẫn nhục mà chỉ tình thương lớn mới có thể chịu đựng được.

Có những ngày trời nắng gắt, ông đi từ sáng sớm đến chiều muộn, vai trĩu nặng, lưng áo ướt đẫm mồ hôi, đôi dép nhựa mòn vẹt đến rách gót. Có hôm trời mưa tầm tã, ông đội áo mưa cho tôi, còn mình thì ướt hết, đứng chờ cả buổi chỉ để gặp được một người có thể giúp một khoản tiền nhỏ. Mỗi đồng ông xin được đều được ông cuộn kỹ cẩn thận, cất riêng, như cất một phần sinh mệnh của con mình trong đó.

Không ai biết rõ cha tôi đã đi bao nhiêu nơi, đã cõng tôi qua bao nhiêu đoạn đường, chỉ để níu lấy một tia hi vọng. Nhưng tôi thì biết – bởi tôi từng nằm trên lưng ông, từng nghe nhịp tim ông đập sát vào tai mình, từng cảm nhận được sự gồng gánh của một người đàn ông đã gấp đôi tuổi xuân, đang cõng cả một giấc mơ nhỏ nhoi: Giấc mơ con gái ông có thể tự đi, dù chỉ vài bước trong đời.

Có lẽ chính những năm tháng ấy đã khắc sâu vào ông những vết hằn thời gian không thể xóa. Ông già đi nhanh hơn những người đàn ông cùng tuổi. Mái tóc bạc sớm, lưng còng xuống, đôi tay từng vững chãi giờ chai sạn và run rẩy. Nhưng chưa một lần nào, ông để lộ sự mỏi mệt hay nản lòng trước mặt tôi.

Sau này, khi tôi lớn lên, ông tập cho tôi bước đi những bước đầu tiên bằng nỗ lực và đôi nạng, ông lặng lẽ nhìn tôi từ xa, không nói gì. Nhưng tôi thấy rõ – mắt ông đỏ hoe, còn đôi bàn tay thì siết chặt lại như để giữ chặt một điều gì đó đang muốn vỡ òa.

Cả cuộc đời cha tôi là một khúc trầm – trầm nhưng không lụi. Ông sống giản dị, chịu thương chịu khó và âm thầm dùng cả đời mình để đỡ lấy đôi chân yếu ớt của tôi. Người đời có thể quên một người thợ mộc từng vang danh một thời, nhưng tôi – tôi sẽ không bao giờ quên bóng dáng người cha đã cõng tôi qua cả tuổi thơ, qua cả những tháng ngày cơ cực nhất, để gieo cho tôi một niềm tin rằng: “Dù đời có xoay vần thế nào, tôi vẫn mãi là đứa con được ông gìn giữ trong tim như một báu vật. Chỉ cần tôi cần, chỉ cần ông còn có thể, dù là ngược gió đội mưa hay vượt trăm ngàn nhọc nhằn, ông cũng sẽ làm tất cả – không vì điều gì khác, ngoài tình yêu của một người cha”.