98 lượt xem

Người thắp lửa cho mùa đông của tôi

Chiều đông miền Trung lạnh ngắt, gió rít xuyên qua vách nứa như những tiếng thở dài không dứt.

Có hôm bạn cõng tôi từ trường về nhà với đôi chân sưng vù, vừa tê buốt vừa đau nhói như có hàng ngàn cái kim chích vào da thịt.

Nhưng trước hiên nhà, luôn có một bếp lửa được nhóm sẵn – bập bùng như ngọn lửa trong tim của người cha lặng lẽ – chờ tôi trở về. Đó không chỉ là lửa sưởi chân, mà là lửa giữ ấm tuổi thơ tôi.

Mỗi khi bóng tôi vừa lấp ló nơi đầu ngõ, cha lập tức bước ra. Dịu dàng bế tôi bằng tất cả sự nâng niu lên chiếc ghế bành cũ kỹ rách một bên tay vịn là nơi ông đặt tôi xuống, phủ lên tôi tấm chăn bông dày – loại chăn “quý hiếm” của cả nhà, mỗi mùa chỉ dám giặt một lần duy nhất vì sợ giặt nhiều sẽ rách đi.

Trong ký ức của tôi, ngọn lửa ấm, chiếc ghế bành cũ và chiếc chăn bông ấm áp đã là lời tuyên ngôn dịu dàng nhất về phụ tử. Ông nhẹ nhàng xoa đôi chân tím tái của tôi bằng đôi bàn tay chai sạn. Cha đã dạy tôi về một thứ ngôn ngữ vượt lên mọi lời nói – thứ ngôn ngữ mang tên yêu thương vô điều kiện.

Rồi một ngày, khi tôi đang sưởi chân bên bếp lửa, ông đặt trước mặt tôi một đôi nạng gỗ thô sơ, đôi mắt ông lấp lánh ánh nhìn vừa nghiêm túc, vừa kỳ vọng.

– Con có muốn thử đi không?

Tôi nhìn đôi nạng như nhìn một vật thể lạ từ hành tinh khác. Gỗ mộc, chưa đánh bóng, lùm xùm gân guốc, nhưng với tôi lúc đó, nó lấp lánh hơn cả vàng. Làm gì có đứa trẻ nào không từng mơ được đứng lên bằng chính đôi chân của mình? Nên câu hỏi của cha như một tia sáng lóe lên giữa trời đông u ám.

Lần đầu tập đi với nạng, tôi đổ người như cây chuối héo. Tôi ngã lên ngã xuống – đau và có phần… xấu hổ. Nhưng chưa kịp để tôi kêu lên, cha đã đỡ tôi dậy, nghiêm nghị:

– Đứng lên nào, con gái! Ngã thì đứng dậy.

Không có sự dỗ dành ủy mị. Không có câu hỏi “có đau không con?” – chỉ có niềm tin vững như núi trong ánh mắt ông. Ông không nói “con sẽ làm được” – nhưng ánh mắt ông tin rằng tôi sẽ làm được, và với tôi, như thế là đủ.

Tôi tiếp tục ngã. Ngã đau. Ngã mệt. Có lúc muốn nằm luôn cho xong, giả vờ bất tỉnh để được nghỉ. Nhưng ánh mắt cha cứ ở đó – lặng lẽ, kiên định, như cột mốc giữa cơn bão. Mỗi lần tôi sắp bỏ cuộc, ông không cần nói gì, chỉ cần đứng đó – là tôi lại đứng lên.

Và rồi, điều kỳ diệu đến vào một buổi chiều vàng ươm – thứ ánh sáng đặc biệt mà tôi tin là ông trời ban riêng cho những người không bỏ cuộc. Tôi bước được những bước đầu tiên. Không nhanh, không vững, nhưng là bước đi thật sự. Không phải bò, không phải lết – mà là đi. Dẫu phải nhờ đôi nạng gỗ đỡ, nhưng đó vẫn là những bước chân của tôi.

Cha tôi đứng đó, không vỗ tay, không reo hò, chỉ siết chặt hai bàn tay với đôi mắt lấp lánh sương. Rồi nước mắt ông lặng lẽ rơi. Tôi chưa từng thấy cha khóc. Và giờ đây, khi thấy ông khóc vì hạnh phúc, tôi mới hiểu thế nào là niềm vui đến mức không thể kìm giữ nổi bằng lý trí.

Tôi biết, giây phút đó, đời tôi đã sang trang.

Tôi đứng lên – không phải trên đôi nạng, mà là trên tất cả những gì cha đã trao: niềm tin, tình thương, và sự dũng cảm để không bỏ cuộc dù có bao lần vấp ngã…